Copywriting là sáng tạo nội dung cho website, nhưng vẫn bảo đảm được kỹ thuật viết bài chuẩn SEO cho bài viết. Đây chính là phần quan trọng nhất cũng như chiếm nhiều thời gian thể hiện chất xám nhất trong cách SEO website. Bạn viết được bài viết chuẩn SEO vẫn chưa đủ, nhưng nội dung cần phải vừa mới lạ, vừa hấp dẫn người đọc, vừa truyền tải kiến thức chuyên môn. Nhất là trong thời đại tràn ngập thông tin như hiện nay, nếu website của bạn không có gì khác biệt và chất lượng, thì khó để lại dấu ấn cho người đọc quay lại lần sau.
Như vậy, Copywriting gồm có hai yếu tố, một là kỹ thuật viết bài chuẩn SEO cho nội dung, hai là giá trị kiến thức truyền tải của nội dung.
Nội dung bài học sáng tạo bài viết chuẩn SEO Google
Phần 1. Google Panda.
1.1. Google Panda là gì?
1.2. Tiêu chí đánh giá của Panda.
1.3. Cách vượt qua thuật toán Google Panda.
Phần 2. Copywriting.
2.1. Copywriting là gì?
2.2. Kỹ thuật đặt từ khóa cho nội dung.
2.3. Sáng tác nội dung.
Phần 1. Google Panda
1.1. Google Panda là gì?
Google Panda là một thuật toán của Google, nhằm đánh giá chất lượng nội dung của một trang Web, từ đó góp phần quyết định đến thứ hạng của trang Web trên kết quả tìm kiếm của Google.
Google Panda được Google đưa ra vào tháng 2 năm 2011, đến nay đã có khoảng 30 bản cập nhật, mới nhất hiện nay là Panda 4.2. Tuy nhiên các bản cập nhật sẽ còn tiếp tục vào bất kỳ lúc nào, ngay cả đến tại thời điểm này.
Google Panda ra đời với mục đích phục vụ người dùng, hướng đến nội dung có giá trị cho người tìm kiếm trên công cụ Google. Từ đó Website sẽ cần phải có nội dung chất lượng hơn để có thể được thăng hạng, nhất là không bị dính thuật toán dẫn tới bị loại khỏi thứ hạng trên Google.
1.2. Tiêu chí đánh giá của Panda
– Chất lượng nội dung: Đánh giá thấp trang Web có nội dung chất lượng thấp hoặc spam.
– Tỷ lệ thoát, tỷ lệ bỏ trang: Đánh giá thấp trang Web có tỷ lệ thoát (Exit rate), tỷ lệ bỏ trang (Bounce rate) cao.
– Tỷ lệ quay lại: Coi trọng tỷ lệ quay lại truy cập trang Web của người dùng.
– Thời lượng truy cập: Coi trọng thời lượng truy cập Website của người dùng.
1.3. Cách chinh phục thuật toán Google Panda
– Xây dựng nội dung chất lượng, chỉnh sửa hoặc xóa bỏ những nội dung kém chất lượng trước đây.
– Bảo đảm sự khác biệt về tiêu đề, mô tả của các bài viết, chuyên mục trong Website. Viết tiêu đề, mô tả hấp dẫn phù hợp với nội dung nhằm tăng tỷ lệ CTR.
– Tăng cường tối ưu các liên kết nội bộ đến các nội dung có liên quan với bài viết, giúp tăng thời gian ở lại Website và giảm tỷ lệ thoát nhanh.
Phần 2. Copywriting
2.1. Copywriting là gì?
Copywriting là sáng tạo nội dung cho một trang Web, nhưng vẫn bảo đảm được kỹ thuật SEO. Đây chính là phần quan trọng nhất cũng như khó nhất trong SEO.
Thừa nhận rằng, Seoer nào cũng có thể viết được nội dung đúng kỹ thuật SEO, nhưng không phải tất cả đều có khả năng sáng tạo nội dung mới, vừa hấp dẫn người đọc vừa truyền tải kiến thức chuyên sâu.
Như vậy, Copywriting gồm có hai yếu tố, một là Kỹ thuật SEO cho nội dung, hai là Giá trị cho nội dung.
2.2. Kỹ thuật SEO trang nội dung
Kỹ thuật SEO cho nội dung chủ yếu liên quan đến cách đặt từ khóa tại các vị trí phù hợp, để tăng khả năng nâng hạng của bài viết trên các SE.
2.2.1. Từ khóa trong tên miền
Từ khóa đặt trong tên miền sẽ có tác động trực quan đến tâm lý người dùng, và bộ máy SE. Khi một trang Web có tên miền cụ thể về một vấn đề, sẽ tạo dựng được tính chuyên sâu về vấn đề hơn. Người dùng và SE rất thích điều đó, nên họ sẽ có xu hướng mong đợi và khám phá tiếp nội dung khác trong Website.
2.2.2. Từ khóa trong URL
Khi đặt từ khóa trong URL và biến URL thành một thông điệp mô tả nội dung, người dùng sẽ có cảm giác nội dung sắp được đọc sẽ giải quyết được đúng nhu cầu tìm kiếm, hay ít ra đây không phải là bài rác hay spam.
2.2.3. Từ khóa trong Title trang Web
Đặt từ khóa ngay đầu Title, và nhắc lại thêm 1 lần với từ khóa phụ, sẽ giúp người dùng và SE tiếp tục cảm thấy được sự liên quan của nội dung trang Web với SERP bên ngoài. Từ đó cũng tin tưởng vào nội dung trong trang Web hơn.
2.2.4. Từ khoá trong thẻ mô tả của trang Web (Meta description)
Các SE sẽ đánh giá thẻ mô tả bao gồm 155 ký tự, và người dùng sẽ nhìn thấy nội dung mô tả này ở phần SERP. Bởi vậy, cần phải làm nổi bật thẻ mô tả bằng cách chèn từ khóa và chăm chút mượt mà cũng như cuốn hút người dùng muốn vào bên trong nội dung trang Web để xem tiếp.
Nếu không tối ưu thẻ Meta description, thì Google sẽ tự động lấy 155 ký tự ký tự đầu tiên của bài viết làm thẻ mô tả.
2.2.5. Từ khóa trong bài viết
Các dạng từ khóa
Từ khóa trong nội dung có thể sử dụng hai dạng, từ khóa chính và từ khóa phụ. Từ khóa chính là các từ cần SEO, từ khóa phụ là các từ có liên quan đến từ khóa chính.
Ví dụ từ khóa chính là: thiết kế website bán hàng
Từ khóa phụ: Xây dựng Web, thiết kế trang Web, giao diện Web, thiết kế website wordpress v.v.
Việc sử dụng thêm từ khóa phụ sẽ giúp cho nội dung trang Web tăng thêm tính chặt chẽ và tính liên quan với chủ đề trong bài viết. Bên cạnh đó còn giúp nội dung thêm phong phú về ngôn ngữ, tăng được mật độ từ khóa mà không bị lặp lại từ khóa chính quá nhiều gây mất tự nhiên và khó chịu cho người đọc.
Tiêu chí đặt từ khóa trong bài viết
– Xuất hiện tự nhiên: Từ khóa cần xuất hiện như thể không còn cách nào tốt hơn, buộc phải có mặt từ khóa để nội dung có giá trị, phục vụ nhiệm vụ truyền đạt thông tin cho người đọc thay vì chèn để cho có.
– Mật độ từ khóa chính: Mật độ từ khóa xuất hiện tối thiểu 1%, tối đa 4%, tốt nhất là từ 2-3% so với số lượng từ trong bài viết.
Ví dụ: Bài viết 1000 từ, tổng số từ khóa (bằng số từ trong 1 từ khóa x số lần lặp) là 30, thì mật độ từ khóa là 3%.
– Vị trí xuất hiện: Từ khóa nên trải đều trong toàn bài viết, không xuất hiện dày đặc ở một khu vực.
Các vị trí ưu tiên đặt từ khóa
Dựa trên các vị trí tối thiểu phải xuất hiện từ khóa, chúng ta có thể đặt từ khóa theo khung sườn sau:
+ Đặt từ khóa chính trong tiêu đề bài biết (H1):
Theo mặc định, tiêu đề trang Web sẽ là tiêu đề H1 của bài viết (Tuy nhiên có thể thay đổi tiêu đề trang Web khác với tiêu đề bài viết). Tiêu đề bài viết sẽ xuất hiện trên SERP theo mặc định, bởi vậy việc có từ khóa sẽ giúp người dùng và các SE đánh giá mức độ liên quan đến nội dung tìm kiếm. Từ khóa nên xuất hiện ngay đầu tiêu đề như kỹ thuật tiêu đề trang Web, nhưng cần tự nhiên hơn.
+ Đặt từ khóa chính trong 155 ký tự đầu tiên (Sapo).
+ Đặt từ khóa chính trong tiêu đề H2.
+ Đặt từ khóa phụ trong các tiêu đề cấp nhỏ hơn nếu có (H3, H4, H5, H6), để bổ sung nội dung cho các tiêu đề cấp cao hơn.
Ví dụ:
H1: Hướng dẫn viết bài chuẩn SEO
H2: Các bước viết bài chuẩn SEO
H3: Lập dàn ý bài viết đạt chuẩn SEO
Mỗi bài viết nên có ít nhất 2H2 và có thể thêm H3 – H6 tùy từng nội dung, để tối ưu mật độ từ khóa và tăng tính rõ ràng cho nội dung.
+ Đặt từ khóa nên dải đều trong phần nội dung, và ở đoạn cuối cùng của bài viết hay còn gọi là phần kết bài.
+ Đặt Anchor Text chứa từ khóa
Anchor Text chính là nơi đặt link nội bộ hoặc link out. Nên đặt từ khóa cần SEO làm Anchor Text hoặc chứa trong Anchor Text, kết hợp nhấn mạnh bằng B-I-U để giúp các SE hiểu tầm quan trọng của từ khóa và link đặt trong đó.
+ Đặt từ khóa xung quanh hình ảnh
Khu vực xung quanh hình ảnh nên có từ khóa bao quanh, kết hợp với từ khóa trong thẻ ALT và tiêu đề mô tả của ảnh, sẽ giúp cho các SE hiểu được bức ảnh, người dùng hiểu hơn về ảnh, từ đó bức ảnh sẽ có giá trị bổ nghĩa rất hiệu quả cho nội dung bài viết.
2.2.6. Mật độ từ khóa trên trang Web
– Mật độ từ khóa chính trên toàn trang nên từ 1-2%, và 3% cho các từ khóa liên quan: Từ khóa đồng nghĩa, sát nghĩa, mở rộng, cụm từ, lệch dấu.
Không có công thức nào xác định được mật độ các từ khóa liên quan, cũng như không thể đếm được số từ khóa liên quan trên trang Web, ngoài cách dựa vào kinh nghiệm.
– Mật độ từ khóa trên thư mục: 2-5% cho từ khóa chính và 2% cho phần liên quan.
– Mật độ từ khóa ở các thanh menu, ảnh, video, media, khoảng dưới 1%.
– Mật độ từ khóa trong Domain, URL, Title, Description, H1, H2 khoảng dưới 0.5%.
2.2.7. Độ dài tiêu chuẩn của một số thành phần
– Title trang Web và Tiêu đề bài viết có độ dài nhỏ hơn 65 ký tự.
– Meta description có độ dài nhỏ hơn 155 ký tự.
– Độ dài của thẻ Alt và tiêu đề hình ảnh nên nhỏ hơn 60 ký tự.
2.3. Sáng tác nội dung
2.3.1. Tiêu đề bài viết
Tiêu đề chính là thành phần có khả năng quyết định hành vi của người dùng, như là click vào trang Web, cũng như sẽ đọc tiếp nội dung bài viết.
2.3.1.1. Các yếu tố cơ bản của tiêu đề
– Độ dài tối ưu khoảng 65 ký tự, ngắn gọn, xúc tích nhưng làm nổi bật nội dung.
– Tiêu đề thành công sẽ thúc đẩy được người dùng click vào xem nhanh, với hy vọng nội dung sẽ chứa thông tin đang tìm kiếm. Hay nói cách khác, thành công ở tiêu đề là người dùng nhìn thấy sẽ bấm vào xem luôn hoặc đọc tiếp nội dung.
– Tuy nhiên không nên lạm dụng một phương pháp “giật tít” nào cho toàn bộ các trang trong Website, vì sẽ làm cho người dùng cảm thấy nhàm chán.
– Tuyệt đối không nên “giật tít” quá lố, thô tục, không đúng sự thật, không liên quan đến nội dung, v, v. Nó sẽ khiến cho người dùng thất vọng khi đọc nội dung, sẽ làm tăng tỷ lệ thoát (exit rate) và bỏ (bounce rate) hoặc không click vào xem nội dung.
– Tiêu đề phải là duy nhất, không trùng với các tiêu đề trong Website cũng như đã có trên mạng internet.
2.3.1.2. Cách giật tít cho tiêu đề
Người dùng thích sự cụ thể hơn là những thứ chung chung
– Dùng con số cụ thể trong tiêu đề: Với thông tin tràn lan trên internet hiện nay, người dùng rất mất thời gian để tìm được thông tin tốt. Bởi vậy, việc có một con số cụ thể để khẳng định điều gì đó, sẽ tăng thêm độ uy tín của thông tin và người dùng sẽ dễ click xem ngay.
Ví dụ: “7 công cụ không thể thiếu khi làm SEO website” sẽ có uy tín hơn, hy vọng tìm thấy thông tin nhanh hơn là tiêu đề nói chung chung “Các công cụ không thể thiếu khi làm SEO”.
– Nêu ra lợi ích cụ thể, hấp dẫn và hợp lý: Nếu chỉ đưa ra lợi ích hấp dẫn mà không hợp lý, người dùng sẽ bỏ qua vì nghĩ rằng chúng ta đang “chém gió”.
“Anh Nguyễn Liên Kết kiếm 20 triệu mỗi tháng nhờ giỏi Youtube” sẽ thuyết phục, tin cậy hơn là “Kiếm vài chục triệu mỗi tháng nhờ dạo Youtube”.
Cụ thể: “Anh Nguyễn Liên Kết’; “20 triệu mỗi tháng”
Hợp lý: Với từ “Giỏi”, người dùng sẽ tin ngay, vì ai cũng biết nếu giỏi thì sẽ làm được, chứ không chỉ mơ hồ như là ai dạo YouTube cũng kiếm được 20 triệu mỗi tháng.
– Cụ thể một đối tượng nhắm đến: Từ việc xác định đúng đối tượng cụ thể, sẽ giúp chúng ta có một tiêu đề ấn tượng và thôi thúc họ click vào xem ngay.
Ví dụ đối tượng chúng ta là những người muốn kiếm việc làm thêm online:
“Việc làm thêm 2.5 triệu/tháng dành cho người thích viết lách”
“Cơ hội kiếm 25k mỗi giờ nhờ đánh máy thành thạo”
Người dùng thích lợi ích hơn tính năng
Thay vì mô tả các tính năng của đối tượng nào đó, hãy hướng tiêu đề về người dùng, giúp họ giải quyết được vấn đề, sẽ được click vào xem nhiều hơn.
– Sử dụng tính từ hay trạng từ bổ sung ý nghĩa và làm nổi bật giá trị của tiêu đề.
Ví dụ: “Bán hàng dễ dàng hơn với giáo trình SEO của Liên Kết Mới” sẽ kích thích người xem hơn là “Học bán hàng với giáo trình SEO của Liên Kết Mới”
Tính từ sử dụng là từ: “dễ dàng”.
– Sử dụng tiêu đề dạng câu hỏi (Ai, Cái gì, Ở đâu, Khi nào, Tại sao, Bao nhiêu, Bao lâu, v.v), nếu biết đối tượng khách hàng thường quan tâm đến những khúc mắc nào.
Ví dụ:
“Học SEO có kiếm được nhiều tiền không?”;
“Học SEO ở đâu tốt nhất?”
“Nên đăng bài Facebook khi nào”;
– Title gây sự tò mò cho người dùng bằng cách dùng lời cảnh báo, mạo hiểm, tiết lộ bí mật về một đối tượng được nhiều người quan tâm.
Ví dụ:
Chớ vội SEO từ khóa nếu chưa biết 9 thuật toán Panda mới hé lộ từ Google.
Tiêu đề chứa 3 nội dung: Cảnh báo, bí mật, và đối tượng nổi tiếng.
– Sử dụng phép so sánh trong tiêu đề, giúp người dùng dễ hình dung ra vấn đề và cũng là cách giật tít hiệu quả.
Ví dụ: “Thu nhập từ 3 tháng làm SEO cao hơn 3 năm làm Content”
– Sử dụng thông tin khuyến mãi và giới hạn thời gian/số lượng/đối tượng, luôn luôn có hiệu quả giật tít mạnh mẽ và rõ rệt nhất để kích thích xem ngay từ trước tới nay. Đơn giản là ai trong chúng ta cũng thích được khuyến mãi hoặc giảm giá, đặc biệt là miễn phí cái gì đó. Tuy nhiên, những thông tin khuyến mãi luôn phải có thật nếu không muốn bị phản tác dụng, gây ấn tượng xấu với khách hàng.
Ví dụ:
“Giảm giá 80% cho 5 người đặt online Iphone 5 sớm nhất bằng thẻ Vietcombank.
“Cơ hội học SEO miễn phí cho người yêu thích nghề SEO thực sự”
– Sử dụng từ nóng, khẩn cấp, bất ngờ, kinh dị để mô tả về một thông tin đặc biệt, dành cho đối tượng, sự kiện nổi tiếng hoặc đang được quan tâm (hot), bao gồm cả tình trạng trực tiếp và không trực tiếp nhưng sẽ được cả cộng đồng mong đợi. Cách này phù hợp với lĩnh vực giải trí, tin tức, thời sự, v.v.
Ví dụ:
“Tin bão khẩn cấp, cơn bão số 9 đang đổ bộ vào Việt Nam.”
“Tin sốc: 13 người chết tại quán Karaoke toàn là quan chức kiểm lâm.”
“Không còn người chết do bệnh AIDS vì đã có thuốc điều trị mới”
2.3.2. Sử dụng từ ngữ
– Viết đúng chính tả, câu văn mượt mà, sáng nghĩa và có hồn, là yếu tố ăn điểm đầu tiên, bởi điều đó sẽ giúp cho người dùng cảm nhận được sự chuyên nghiệp và tận tâm của tác giả đối với họ.
– Ngôn từ sử dụng nên thân thiện, dễ hiểu với đối tượng người dùng. Không nên viết tắt, hoặc nếu là thuật ngữ viết tắt thì cần có mục diễn giải ý nghĩa của các từ đó.
– Không nên sử dụng nhiều từ ngữ thừa trong câu văn, cũng như trùng lặp phần nội dung đã diễn giải trước đó. Nếu không làm tốt điều này sẽ khiến cho người đọc cảm thấy rườm rà, lộn xộn. Mỗi câu văn cần ngắn gọn, xúc tích những vẫn đầy đủ thông điệp trong đó.
– Hạn chế dùng đại từ trong nội dung. Mỗi một câu văn sẽ rất đầy đủ thành phần và ý tứ khi có đại từ, nhưng việc sử dụng nhiều đại từ nhân xưng trong một nội dung, sẽ làm giảm tính bao quát của đối tượng hướng đến. Từ đó, người dùng sẽ dễ bị phân tán tư duy, rất khó hình thành một dòng suy nghĩ thống nhất đối với nội dung.
– Sử dụng các từ nối tiếp để liên kết giữa các câu văn trước với sau, đoạn văn trước với đoạn văn sau, giúp toàn nội dung được hệ thống hóa chặt chẽ và mượt mà hơn.
– Chỉ sử dụng các từ tiếng Anh mang tính thuật ngữ hay chuyên ngành để thay thế cho tiếng Việt khi thực sự cần thiết. Một bài viết xen tiếng Anh tùy ý, sẽ khiến cho người đọc một là sẽ khó hiểu, hai là bị ức chế.
2.3.3. Nhằm đúng đối tượng
– Mỗi bài viết nên hướng đến một số đối tượng người dùng cụ thể. Sai lầm lớn nhất của nội dung là chỉ đưa ra thông tin mà không biết đối tượng của chúng ta có quan tâm đến nó hay không.
– Nội dung nên hướng tới một sứ mệnh cụ thể nào đó mà Website cần định hướng từ trước, từ đó, tập chung xây dựng thông tin có chiều sâu để giải quyết những vấn đề mà đối tượng khách hàng mong muốn. Người dùng sẽ cảm nhận năng lực, trí tuệ của của tác giả bài viết qua thông tin họ nhận được, bởi vậy, nội dung sẽ là yếu tố mang tính quyết định đến khả năng trở lại Website của người dùng.
2.3.4. Đa dạng nội dung
– Sử dụng nhiều phong cách thể hiện khác nhau để lồng ghép trong một nội dung, tăng sự phong phú cho nội dung, tránh gây nhàm chán cho người đọc.
– Kết hợp nhiều thành phần trong nội dung để tăng tính hấp dẫn như: Sản phẩm, text, hình ảnh, video, tài liệu, link tham khảo, v.v. Tuy nhiên không nên sử dụng các POP UP, Flash trong nội dung, vì Google đã không còn thích chúng nữa. Các thành phần trong nội dung cần thiết phải liên quan, hay bổ trợ cho nhau.
2.3.5. Nhấn mạnh phần quan trọng
Sử dụng các lối hành văn gây chú ý hoặc kêu gọi để nhấn mạnh cho phần nội dung quan trọng. Tuy nhiên, Google thì chỉ hiểu phần nhấn mạnh trong nội dung chính là các đoạn text được bôi đậm, nghiêng hoặc gạch chân.
Có thể sử dụng các màu sắc hoặc định dạng font chữ để làm nổi bật phần nội dung quan trọng, nhưng cần có tính thẩm mỹ, để cuốn hút người dùng. Theo kinh nghiệm cho thấy, người dùng internet thường lướt Web trước khi đọc kỹ một nội dung. Bởi vậy cần chú ý đến những điều đặc biệt trên nội dung để cuốn hút người dùng ở lại trang Web.
2.3.6 Độ dài nội dung
Đối với từng phần nhỏ trong nội dung: Mỗi một ý tưởng hay một nhóm ý tưởng trong một nội dung cần được trình bày thành một đoạn, mỗi đoạn có độ dài vừa phải, để người dùng đọc được nhanh và dễ hiểu.
Đối với toàn nội dung: Nếu không phải là nghiên cứu khoa học, thì nội dung không nên quá dài, sẽ khiến người đọc cảm thấy rối loạn khi theo dõi vị trí đang đọc, cũng như mệt mỏi khi phải thao tác kéo chuột đến các trang tiếp theo.
Độ dài ảnh hưởng tính marketing
Hơn nữa, đoạn/nội dung dài sẽ khiến người đọc dễ quên đi những điều quan trọng đã đọc trước đó, cuối cùng chúng ta không hoàn thành được mục đích truyền tải thông điệp. Bên cạnh đó, người dùng internet chỉ thích tìm thấy thông tin họ cần một cách nhanh chóng, trực quan, chứ không đủ kiễn nhẫn để khám phá tỉ mỉ từng thành phần trong nội dung.
Cám ơn bạn nhiều nha . bài viết rất chi tiết
Cám ơn bạn!
Chúc bạn có trải nghiệm tuyệt vời!